Thị trường Trung Đông còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt

(Chinhphu.vn) – Tại hội thảo “Cơ hội vàng cho xuất khẩu Việt Nam đến các quốc gia Trung Đông sau đại dịch COVID-19” diễn ra ngày 17/3, các chuyên gia đều nhận định, thị trường Trung Đông còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông lâm, thủy hải sản. Điều quan trọng là các DN cần đáp ứng được các yêu cầu giấy chứng nhận về tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, nhãn mác…

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, Trung Đông (bao gồm 16 quốc gia) đang nổi lên như khối thị trường xuất khẩu tiềm năng cho DN Việt Nam, với dân số đông (khoảng 400 triệu dân) và mức sống cao. Trong đó, quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực Trung Đông chủ yếu tập trung vào các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) với 06 quốc gia thành viên là Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman có tổng dân số 65 triệu người (năm 2021).

hinh1 itpc 16475356371581232047798
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết ITPC sẽ hỗ trợ DN kết nối giao thương và gặp gỡ các hệ thống kênh phân phối hiện đại tại khu vực Trung Đông – Ảnh: VGP/Lê Anh

Riêng với TPHCM, Trung Đông là thị trường đầy tiềm năng và còn nhiều dư địa để khai thác. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang các quốc gia Trung Đông tăng đều theo năm. Chỉ kể riêng UAE, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của TPHCM sang UAE ước đạt 340 triệu USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 230 triệu USD, tăng 12% so với năm trước.  Các mặt hàng chính DN TPHCM xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông bao gồm thủy hải sản, rau củ quả, cà phê, hạt tiêu, dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại…

Theo ông Nguyễn Tuấn, những trở lực đối với các DN Việt Nam hiện nay khi tiếp cận thị trường Trung Đông là thiếu thông tin, logistics và thanh toán quốc tế. Vì vậy, DN rất cần nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại khu vực.

Dự kiến trong thời gian tới, ITPC sẽ tiếp tục triển khai các đoàn khảo sát thị trường, kết nối giao thương và gặp gỡ các hệ thống phân phối hiện đại tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu mạnh của Việt Nam hiện nay là UAE và Kuwait.

Chia sẻ về thị trường Trung Đông, ông Ngô Toàn Thắng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kuwait cho biết, 6 nước GCC đều là thành viên WTO. Rào cản thương mại tại thị trường các nước GCC là yêu cầu giấy chứng nhận về tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, nhãn mác… do Tổ chức Tiêu chuẩn và Đo lường vùng Vịnh (GSMO) cấp, giấy chứng nhận Halal đối với các sản phẩm thực phẩm, thủy sản nhập khẩu. Đây là những yêu cầu kỹ thuật mà DN Việt cần đáp ứng.

Ông Thắng cho rằng, cơ hội cho DN Việt Nam tại thị trường GCC đang rộng mở với nhiều thuận lợi. Việt Nam có quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị lâu dài với các nước GCC. Bên cạnh đó, hai bên có khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ cho việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác (đã ký các Hiệp định Hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật với 5/6 nước; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 5/6 nước GCC; Hiệp định về vận chuyển hàng không với 5/6 nước…)

Đặc biệt, khối GCC có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của GCC khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh và nhu cầu của Việt Nam, thuế nhập khẩu của khối GCC khá thấp.

Theo thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC gia tăng nhanh chóng và có mức tăng đột biến từ năm 2012 đến nay. Nếu như năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC mới đạt 2,7 tỷ USD, thì tới năm 2021 đã tăng gấp 4,6 lần, đạt 12,5 tỷ USD.

Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing Văn phòng chứng nhận Halal – HCA Việt Nam cho biết, thị trường Trung Đông có rất nhiều tiềm năng để DN Việt khai thác. Tuy nhiên, đây là thị trường có văn hóa kinh doanh đặc biệt và yêu cầu các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu phải có chứng nhận Halal.

Về điều kiện chung để sản phẩm được chứng nhận Halal, bà Hằng cho biết DN cần đáp ứng được đồng thời hai điều kiện là nguyên liệu Halal và dây chuyền sản xuất Halal. Cụ thể, ngoài việc nguyên liệu, phụ gia, hóa chất… phải có chứng nhận Halal thì trên cùng một dây chuyền không được sản xuất lẫn lộn sản phẩm. Việc đạt các yêu cầu vệ sinh, quản lý chất lượng sản phẩm HACCP, ISO 22000… là lợi thế lớn cho DN xuất khẩu.

Lê Anh

Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ Trang Thành phố Hồ Chí Minh

Bình luận bài viết:

Bài viết liên quan

Bảo hộ nhãn hiệu tại Iraq – cập nhật Quy Trình Đăng Ký 2024-2025

Cập nhật quy trình bảo hộ nhãn hiệu tại Iraq, đặc biệt về sự thay đổi mới nhất trong phân loại nhãn hiệu theo phiên bản Nice 11. Anlis...

15.01.2025

THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ TẾT DƯƠNG LỊCH 2025

Kính gửi Quý khách hàng và Quý Đối tác, CÔNG TY TNHH SỞ HỮU TRÍ TUỆ ANLIS VIỆT NAM xin trân trọng thông báo đến Quý khách hàng về...

30.12.2024

7 lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu tại Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia)

Để đăng ký nhãn hiệu tại Ả Rập Xê Út, bạn cần tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý của quốc gia này. Dưới đây là...

20.12.2024