Sáng chế/Giải pháp hữu ích

  • KHÁI NIỆM

    1. Khái niệm

    Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

    Sáng chế được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

    2. Giải pháp kỹ thuật

    Giải pháp kỹ thuật – đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật (ứng dụng các quy luật tự nhiên) nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định.

    Giải pháp kỹ thuật có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

    (i) Sản phẩm:

    – sản phẩm dưới dạng vật thể, ví dụ dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện…, được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc

    – sản phẩm dưới dạng chất (gồm đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất), ví dụ vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm…, được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học, ví dụ gen, thực vật/động vật biến đổi gen…, được thể hiện bằng tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo;

    (ii) Quy trình hay phương pháp (quy trình sản xuất; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, v.v.) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trìn, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được mục đích nhất định.

  • THỦ TỤC ĐĂNG KÝ

    1. Tài liệu cần có của đơn

    – 02 Tờ khai đăng ký sáng chế, đánh máy theo mẫu số 01-SC Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;

    – 02 Bản mô tả sáng chế/ giải pháp hữu ích; Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích phải đáp ứng quy định tại điểm 23.6 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN. Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích gồm có Phần mô tả, Yêu cầu bảo hộ và Hình vẽ (nếu có).

         Phần mô tả phải được trình bày đầy đủ, rõ ràng bản chất của sáng chế theo các nội dung sau:

    + Tên sáng chế/giải pháp hữu ích;

    + Lĩnh vực sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích;

    + Tình trạng kỹ thuật của lĩnh vực sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích;

    + Bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích;

    + Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có);

    + Mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích;

    + Ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích;

    + Những lợi ích (hiệu quả) có  thể đạt được].

       Yêu cầu bảo hộ được tách thành riêng sau phần mô tả, yêu cầu bảo hộ được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Yêu cầu bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của đối tượng yêu cầu được bảo hộ.

     Hình vẽ, sơ đồ (nếu có): được tách thành trang riêng.

    – 02 Bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích. Tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích không được vượt quá 150 từ và phải được tách thành trang riêng. Bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích không bắt buộc phải nộp tại thời điểm nộp đơn và người nộp đơn có thể bổ sung sau;

    – Chứng từ nộp phí, lệ phí.

    2. Các tài liệu khác (nếu có)

    – Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);

    – Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có);

    – Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác);

    – Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).

  • THỜI HẠN XỬ LÝ ĐƠN

    Thời hạn xử lý đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích

    Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được xem xét theo trình tự sau:

    – Thẩm định hình thức: 01 tháng

    – Công bố đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích:

    (i) Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn;

    (ii) Đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (sau đây gọi là “đơn PCT”) được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ đã vào giai đoạn quốc gia;

    (iii) Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích có yêu cầu công bố sớm được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.

    – Thẩm định nội dung: không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.

  • CHI PHÍ ĐĂNG KÝ

    Phí, lệ phí đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích

    – Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ

    – Phí thẩm định hình thức: 180.000VNĐ/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;

    – Phí thẩm định hình thức từ trang thứ 7 bản mô tả trở đi: 8.000VNĐ/01 trang;

    – Phí công bố đơn: 120.000VNĐ;

    – Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/hình;

    – Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000VNĐ/01 đơn ưu tiên;

    – Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 600.000VNĐ/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;

    – Phí thẩm định nội dung: 720.000VNĐ/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;

    – Phí thẩm định nội dung từ trang thứ 7 bản mô tả trở đi: 32.000VNĐ/01 trang

    Lưu ý: Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích cần được phân loại sáng chế quốc tế (IPC), trường hợp người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định (100.000VNĐ/01 phân loại sáng chế quốc tế).

  • TRA CỨU THÔNG TIN

    Một số trang web tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp hữu ích

    http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearchPAT.php

    Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế thuộc thư viện số về sở hữu công nghiệp của Việt Nam; tại trang web này người dùng tin có thể tìm kiếm thông tin về các đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích đã công bố/được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam.

    http://digipat.noip.gov.vn/

    Đây là thư viện số về bằng độc quyền sáng chế/GPHI của Việt Nam; tại trang web này, người dùng tin có thể tra cứu thông tin toàn văn về các bằng độc quyền sáng chế/GPHI đã được cấp tại Việt Nam.

    https://patentscope.wipo.int/search/en/search.jsf

    Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế do WIPO cung cấp; tính đến 31/12/2017, người dùng tin có thể tra cứu khoảng trên 60 triệu tư liệu thông tin sáng chế của nhiều quốc gia/tổ chức tại website này, trong đó bao gồm thông tin dữ liệu thư mục sáng chế/GPHI của Việt Nam.

    https://worldwide.espacenet.com/?locale=en_EP

    Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế do EPO cung cấp, tại công cụ tra cứu này, người dùng tin có thể tra cứu gần 100 triệu tư liệu sáng chế, được EPO thu thập từ hơn 90 quốc gia/tổ chức trên thế giới.

    http://patft.uspto.gov/netahtml/PTO/index.html

    Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế của USPTO, tại đây, người dùng tin có thể lựa chọn tra cứu thông tin về các bằng sáng chế đã được cấp dạng toàn văn của Mỹ từ năm 1976 đến nay, hoặc lựa chọn tra cứu thông tin về các đơn sáng chế của Mỹ từ năm 2001 đến nay.

    https://www.j-platpat.inpit.go.jp/

    Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế của JPO, tại đây, người dùng tin có thể tra cứu thông tin về các đơn/bằng sáng chế dạng toàn văn của Nhật Bản.