Quyền sở hữu công nghiệp trong nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại là một phương án giúp các chủ sở hữu mở rộng nhanh chóng thương hiệu của mình với lợi nhuận cao mà không cần phải bỏ ra quá nhiều chi phí. Vậy nhượng quyền thương mại và các hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, ví dụ như nhãn hiệu có liên quan gì đến nhau?

1. Quyền sở hữu công nghiệp trong nhượng quyền thương mại

Quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Quyền sở hữu trí tuệ được xây dựng để bảo vệ lợi ích của những người tạo ra những tài sản từ sự sáng tạo của con người bằng các trao cho họ quyền độc quyền đối với những sáng tạo đó. Trong đó, quyền sở hữu công nghiệp là một nhánh quyền trong quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các đối tượng là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh (Khoản 4 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009 và 2019).

Nhượng quyền thương mại là gì?

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) có đưa ra khái niệm: nhượng quyền thương mại là một thỏa thuận mà trong đó bên nhượng quyền đã phát triển một hệ thống để điều hành một doanh nghiệp và họ cho phép người khác (bên được nhượng quyền) sử dụng hệ thống đó theo quy định của bên chuyển nhượng. Trong đó, hệ thống mà bên nhượng quyền cho phép hoặc cấp li-xăng (quyền sử dụng) cho bên được nhượng quyền này bao gồm các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến một hoặc nhiều nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế hoặc các tác phẩm, cùng với bí quyết kỹ thuật và bí mật kinh doanh có liên quan sẽ được khai thác để bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Như vậy, nhượng quyền thương mại là hình thức li-xăng (chuyển giao quyền sử dụng) các quyền sở hữu công nghiệp, đó là sự chuyển giao quyền sử dụng của một hoặc nhiều đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ cùng trong một hệ thống kinh doanh của bên nhượng quyền sang cho bên nhận nhượng quyền, trong đó nhãn hiệu hàng hóa và bí mật kinh doanh là đối tượng phổ biến nhất.

nhượng quyền thương mại ANLIS

Pháp luật nào điều chỉnh việc nhượng quyền?

Nhưng hoạt động nhượng quyền thương mại không phải là chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp và chuyển giao công nghệ một cách thuần tuý vì chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp hay chuyển giao công nghệ chỉ chú trọng đến đối tượng là sở hữu công nghiệp hay công nghệ đó, còn nhượng quyền thương mại là sự chuyển giao quyền thương mại (bao gồm nhiều hơn một đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc đối tượng sở hữu công nghiệp kèm với cơ sở vật chất kỹ thuật).

Ngòai ra, nhượng quyền thương mại không chỉ chịu sự tác động của pháp luật thương mại mà còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

2. Quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trong nhượng quyền thương mại

Việc nhượng quyền thương mại thường đi liền với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ trong đó đặc biệt là sự chuyển giao quyền sử dụng của nhãn hiệu.

Theo Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định về các đối tượng sở hữu công nghiệp trong nhượng quyền thương mại là sự chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp từ bên nhượng quyền sang bên nhận nhượng quyền và phải sự điều chỉnh của pháp luật về sở hữu công nghiệp. Cụ thể là “Trường hợp Bên nhượng quyền chuyển giao cho Bên nhận quyền quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp và các nội dung của quyền thương mại thì phần chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đó có thể được lập thành một phần riêng trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.” (Khoản 1 Điều 10).

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động nhượng quyền thương mại được thể hiện thông qua một số quy định của pháp luật Việt Nam về nhượng quyền thương mại. Đó là: Thương nhân nhượng quyền bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền (khoản 4, Điều 287, Luật Thương mại 2005); Thương nhân nhận quyền ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại (khoản 5, Điều 289, Luật Thương mại 2005).

3. Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

Cần làm gì trước khi tiến hành nhượng quyền

Khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại, các cá nhân, tổ chức kinh doanh thực hiện việc quyền nhượng quyền thì cần phải bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình trước khi tiến hành thông qua việc đăng ký quyền độc quyền các đối tượng sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Hình thức nhượng quyền thương mại đối với quyền sở hữu công nghiệp

Hoạt động nhượng quyền thương mại bao gồm việc chuyển nhượng một hoặc nhiều đối tượng sở hữu công nghiệp (đặc biệt nhãn hiệu). Tuy nhiên, theo quy định của tại Khoản 1 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ thì chuyển nhượng các loại quyền sở hữu công nghiệp phải được lập thành văn bản, gọi là hợp đồng chuyển nhượng và hợp đồng chuyển nhượng này chỉ phát sinh hiệu lực khi đã được đăng ký và ghi nhận tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Các hạn chế đối với việc chuyển nhượng

Ngoài ra pháp luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

(i) Chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu và quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó. (Điều này là do, việc chuyển nhượng, chuyển giao các đối tượng sở hữu công nghiệp bắt buộc phải đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ thì việc chuyển nhượng/ chuyển giao mới có hiệu lực và người nhận chuyển nhượng/ chuyển giao phải đáp ứng điều kiện của người có quyền đăng ký)

(ii) Chỉ được chuyển nhượng quyền của chủ sở hữu công nghiệp trong phạm vi bảo hộ của mình;

(iii) Chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng (Do chỉ dẫn địa lý do Nhà nước là chủ sở hữu, việc chuyển nhượng chỉ dẫn địa lý sẽ làm mất tính chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý);

(iv) Tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

Để biết thêm thông tin về đăng ký sở hữu công nghiệp và đăng ký chuyển nhượng các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, vui lòng liên hệ với ANLIS IP để được hỗ trợ tư vấn.

Liên hệ ANLIS IP (ĐT/zalo: 0899 88 6060 hoặc email: ip@anlis.vn).

ANLIS Sở hữu trí tuệ. 

Bình luận bài viết:

Bài viết liên quan

7 lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu tại Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia)

Để đăng ký nhãn hiệu tại Ả Rập Xê Út, bạn cần tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý của quốc gia này. Dưới đây là...

20.12.2024

CẢNH BÁO MẠO DANH ANLIS

Kính gửi Quý Khách hàng, Quý Đối tác, Thời gian gần đây, theo phản ánh của một số khách hàng/đối tác, đã có một số cá nhân mạo danh...

12.12.2024

05 BƯỚC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU TẠI NHẬT BẢN

Để đăng ký nhãn hiệu tại Nhật Bản, Quý Khách cần nắm được các giai đoạn cơ bản sau: Bước 1: Lựa chọn và chỉ định đại diện để...

01.12.2024