Phải làm gì khi nhãn hiệu bị “đánh cắp”?


Việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu là vô cùng cần thiết tuy nhiên chưa phải cá nhân, tổ chức nào cũng để tâm và hiểu biết để thực hiện kịp thời. Do đó không thể tránh khỏi việc nhãn hiệu (thương hiệu), đặc biệt là các nhãn hiệu mang tính thương mại cao bị “đánh cắp”. Vậy nếu nhãn hiệu bị “đánh cắp” chủ sở hữu sẽ cần phải làm gì? Dưới đây là tư vấn sơ bộ của ANLIS IP tới bạn đọc như sau:

  1. Ngay lập tức rà soát và đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ nếu như chưa thực hiện

Nhiều người nghĩ rằng nếu nhãn hiệu đã bị “đánh cắp” thì điều cần thiết là phải ngay lập tức “đòi lại”. Và đây cũng là suy nghĩ thông thường của hầu hết những người rơi vào trường hợp bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng việc ưu tiên cần làm nhất khi phát hiện nhãn hiệu đã bị “đánh cắp” đó là phải ngay lập tức rà soát lại xem nhãn hiệu của mình đã thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền hay chưa. Bởi hiện tại Việt Nam vẫn đang áp dụng nguyên tắc “first to file” tức là bảo hộ cho những ai nộp đơn sớm nhất. Do đó nếu chưa đăng ký thì chủ đơn cần ngay lập tức thực hiện thủ tục nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu của mình. Bởi vì cho dù nếu chủ thể chỉ nhất quyết thực hiện các hành động để “đòi lại” quyền nhãn hiệu nhưng không có hành động xác lập quyền quyền sở hữu trí tuệ cho mình thì cho dù xử lý được chủ thể xâm phạm này cũng sẽ còn xuất hiện nhiều chủ thể xâm phạm khác và khi đó chủ sở hữu phải liên tục chạy theo để xử lý các hành vi xâm phạm khác mà trên thực tế quyền sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu của mình vẫn chưa được xác lập.

Do đó, hành động đầu tiên khi phát hiện xâm phạm là cần rà soát lại xem mình đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hay chưa và ngay lập tức tiến hành việc đăng ký xác lập quyền cho nhãn hiệu của mình để tránh các trường hợp xâm phạm xảy ra tiếp (nếu có).

  1. Thu thập tài liệu, bằng chứng để “đòi lại” nhãn hiệu

Việc nhãn hiệu đã bị “đánh cắp” (có thể mới nộp đơn hoặc đã được cấp bằng) không hề đơn giản. Nhiều người lầm tưởng rằng nếu là của mình thì sẽ dễ dàng lấy lại được. Nếu như vậy đã không xảy ra trường hợp chủ sở hữu thực sự phải ngậm đắng nuốt cay bỏ tiền ra “chuộc” nhãn hiệu với giá cắt cổ hoặc bỏ hẳn nhãn hiệu đã mất công xây dựng nhiều năm để xây dựng một nhãn hiệu hoàn toàn mới. Vì sao vậy? Bởi vì để “đòi” lại được nhãn hiệu, chủ sở hữu thực sự phải có các tài liệu chứng minh. Và các cơ quan nhà nước chỉ xem xét và ra phán quyết dựa trên bằng chứng, chứng cứ thuyết phục. Do đó nếu rơi vào trường hợp này, chủ sở hữu cần bình tĩnh để thực hiện các việc sau:

Về phía mình, Quý khách cần tập hợp các bằng chứng chứng minh mình là chủ sở hữu đích thực của nhãn hiệu cụ thể là bằng chứng về thời điểm sử dụng nhãn hiệu (sử dụng trước thời điểm bị “đánh cắp” càng tốt), bằng chứng về việc mình thuê thiết kế nhãn hiệu, bao bì, phương tiện kinh doanh, bằng chứng về việc sử dụng nhãn hiệu như tên thương mại, trong các giao dịch thương mại,…(nếu có), tài liệu bằng chứng chứng minh việc đầu tư cho nhãn hiệu,…

Về phía bên nghi ngờ đánh cắp nhãn hiệu, Quý Khách nghiên cứu và thu thập các bằng chứng về bên nghi ngờ xâm phạm, ví dụ như mối quan hệ của họ với quý khách, phạm vi và lĩnh vực kinh doanh, địa bàn kinh doanh, lịch sử đăng ký của bên bị nghi ngờ xem đã từng có tiền lệ vi phạm hay chưa, trên thực tế có kinh doanh hay không,…..

Sau khi chuẩn bị xong tất cả các tài liệu, bằng chứng để thực hiện các hành động tiếp theo, Quý khách có thể liệt kê ra những hành động mà mình có thể thực hiện để đòi lại nhãn hiệu. Thông thường, việc đòi lại một nhãn hiệu có thể thực hiện một trong những hành động sau đây:

– Liên hệ trực tiếp với bên có nghi ngờ xâm phạm, yêu cầu chuyển giao lại đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc giấy chứng nhận đắng ký nhãn hiệu

– Thực hiện các biện pháp khác như đàm phán để nhận chuyển nhượng lại với chi phí hợp lí;

– Thực hiện các thủ tục chính thức với cơ quan nhà nước có thẩm quyền như nộp hồ sơ phản đối cấp giấy chứng nhận cho đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

– Thư khuyến cáo/khuyến nghị các hành vi xâm phạm trên thực tế

– Đơn tố cáo/yêu cầu xử lý đến các đơn vị trung gian như Cơ quan quản lý thị trường, thanh tra khoa học công nghệ, các đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

– Khởi kiện ra tòa,….

Các biện pháp sẽ tùy thuộc vào mức độ xâm phạm, hành vi và tình trạng của đối tượng bị “ăn cắp” cũng như thái độ hợp tác của bên nghi ngờ để có phương án xử lý cho phù hợp.

  1. Tăng cường việc quảng bá rộng rãi nhãn hiệu để người tiêu dùng biết đến Quý Khách là chủ sở hữu thật của nhãn hiệu

Bên cạnh việc đẩy mạnh xử lý hành vi xâm phạm, để tránh việc nhãn hiệu tiếp tục bị đánh cắp, chủ sở hữu cũng nên có những biện pháp để tăng cường quảng bá rộng rãi nhãn hiệu hợp pháp của mình đến khách hàng. Việc quảng bá này là vô cùng quan trọng bởi hầu hết các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ đều làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của chủ sở hữu hợp pháp. Chính vì vậy việc làm cho người tiêu dùng, khách hàng của mình nhận diện được nhãn hiệu – hàng chính hãng sẽ giảm thiểu được phần nào những ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chủ sở hữu hợp pháp. Và đó cũng như là một hành động để loại bỏ những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ra khỏi thị trường kinh doanh.

Ngoài ra, việc tăng cường quảng bá còn là một trong những nguồn tài liệu quan trọng góp phần hỗ trợ quý khách nếu có tranh chấp xảy ra.

  1. Theo sát quá trình bảo hộ nhãn hiệu của mình

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu thông thường kéo dài từ 24-28 tháng, nếu được cấp bằng sẽ có thời hạn bảo hộ 10 năm kể từ ngày nộp đơn. Tuy nhiên không giống như các loại tài sản có đăng ký khác, tài sản sở hữu trí tuệ – cụ thể là giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có những yêu cầu đặc thù khác như trong quá trình nộp đơn và thẩm định đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có những thông báo và yêu cầu chủ đơn phúc đáp trong thời hạn nhất định. Nếu không phúc đáp kịp thời, đơn có thể bị từ chối chính thức. Hoặc nếu nhãn hiệu đã được bảo hộ cũng cần phải theo dõi thời hạn bảo hộ để kịp thời có thủ tục gia hạn để tiếp tục được sử dụng nhãn hiệu.

Ngoài ra nếu Quý khách có những thay đổi về thông tin so với thời điểm đăng ký như thay đổi tên/địa chỉ chủ đơn/chủ bằng cũng cần cập nhật thông tin thay đổi để được ghi nhận lên đơn/bằng. Do đó Quý khách cần theo dõi sát sao thủ tục đăng ký nhãn hiệu cũng như quá trình bảo hộ để kịp thời nắm bắt và xử lý các thông báo (nếu có) tránh việc đơn đăng ký xác lập quyền bị từ chối sẽ gây khó khăn cho việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

  1. Đừng quên chuẩn bị nhãn hiệu thay thế nếu trường hợp không “đòi lại” được nhãn hiệu bị “đánh cắp”

Không phải mọi trường hợp tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nào cũng giành lại được phần thắng cho dù Quý khách đúng là chủ sở hữu thực sự. Bởi hiện nay quy định của pháp luật dựa trên những bằng chứng thực tế. Và khả năng thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong đó là bằng chứng, chứng cứ đã đủ mạnh và thuyết phục hay chưa. Do đó Quý khách luôn phải có phương án thay thế dự phòng để áp dụng trong trường hợp nhãn hiệu của mình bị “đánh cắp” nhưng không thể “đòi lại” được. Khi đó Quý khách hãy sử dụng phương án thay thế này để đăng ký và sử dụng ngay lập tức, tránh bị gián đoạn việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ của mình đến khách hàng.

Trên đây là một số ý kiến tư vấn của Anlis trong việc xử lý khi nhãn hiệu của mình bị “đánh cắp”. Mọi ý kiến dựa trên kinh nghiệm xử lý thực tiễn của chúng tôi. Nếu Quý Khách quan tâm, vui lòng liên hệ ANLIS IP: 0899 88 6060 hoặc ip@anlis.vn để được tư vấn chi tiết về các thủ tục xác lập quyền cũng như bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của mình.

Để xem thêm các bài viết cùng chủ đề khác, vui lòng xem tại đây

Bình luận bài viết:

Bài viết liên quan

7 lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu tại Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia)

Để đăng ký nhãn hiệu tại Ả Rập Xê Út, bạn cần tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý của quốc gia này. Dưới đây là...

20.12.2024

CẢNH BÁO MẠO DANH ANLIS

Kính gửi Quý Khách hàng, Quý Đối tác, Thời gian gần đây, theo phản ánh của một số khách hàng/đối tác, đã có một số cá nhân mạo danh...

12.12.2024

05 BƯỚC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU TẠI NHẬT BẢN

Để đăng ký nhãn hiệu tại Nhật Bản, Quý Khách cần nắm được các giai đoạn cơ bản sau: Bước 1: Lựa chọn và chỉ định đại diện để...

01.12.2024