Bảo hộ tên người nổi tiếng và bài học từ ban nhạc BTS 2020
Người nổi tiếng có thể được hiểu là người được công chúng biết đến rộng rãi nhờ những hoạt động và thành tựu đáng nể của họ. Nếu trước đây người nổi tiếng thường được nói đến theo nghĩa hẹp, tức là các nghệ sĩ (người chuyên hoạt động trong một bộ môn nghệ thuật), thì hiện nay, khái niệm người nổi tiếng được mở rộng hơn trong nhiều lĩnh vực và nhiều đối tượng. Người nổi tiếng có thể là bất cứ ai, trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ những live-streamer, hoa hậu, doanh nhân, cầu thủ,….
Người nổi tiếng có thể sử dụng tên thật, bút danh, nghệ danh, tên viết tắt,….của mình, sau đây gọi chung là “tên của người nổi tiếng”. Vậy việc bảo hộ tên người nổi tiếng đang được pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định như thế nào?
Quyền có tên, họ là quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ
Mỗi cá nhân đều có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có) và được xác định theo họ, tên, khai sinh của người đó theo khoản 1, Điều 26 Bộ Luật Dân sự 2015. Không thể phủ nhận rằng việc có tên là một quyền nhân thân quan trọng được mọi pháp luật bảo vệ.
Trên thực tế, nhiều người trùng cả họ và tên với người khác. Việc trùng hợp này không ảnh hưởng gì đến các quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật. Nhưng với người nổi tiếng, tên của họ mang lại nhiều giá trị hơn thế.
Đối với người nổi tiếng, họ đương nhiên cũng được hưởng các quyền nhân thân như một cá nhân bình thường, chỉ khác biệt ở chỗ tên của họ đã đạt được một mức độ phổ biến nhất định với công chúng. Ở khía cạnh thương mại, tên người nổi tiếng giúp họ có được những lợi ích về mặt kinh tế trong một lĩnh vực hoặc một ngành cụ thể, và cũng thể hiện sự cố gắng và đóng góp của họ cho xã hội trên một phương diện nào đó.
Sự nổi tiếng của một cá nhân cũng thể hiện sự quan tâm và đánh giá của công chúng trong lĩnh vực đó để khi nhắc đến tên, công chúng có thể biết họ là ai, họ hoạt động trong lĩnh vực gì. Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc tiếp cận và phổ biến đến công chúng cũng ngày càng dễ dàng hơn, và tên của một người nổi tiếng cũng được công chúng dễ dàng ghi nhớ, biết đến hơn bao giờ hết.
Dưới góc độ về sở hữu trí tuệ, tên của người nổi tiếng cũng có thể là đối tượng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm mà họ kinh doanh hoặc dịch vụ do họ cung cấp. Thực tiễn cho thấy nhiều người nổi tiếng, phổ biến là các nghệ sĩ vừa hoạt động nghệ thuật, vừa có hoạt động kinh doanh song song và sử dụng chính tên, bút danh hoặc nghệ danh của họ làm nhãn hiệu khi kinh doanh.
Không thể phủ nhận một thực tế là người tiêu dùng có thể mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ nhờ biết đến hoặc tin rằng sản phẩm/dịch vụ đó do người nổi tiếng A cung cấp. Trong trường hợp này, tên người nổi tiếng là nhãn hiệu theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ vì đạt được chức năng chỉ dẫn nguồn gốc sản phẩm/dịch vụ.
Để được xác lập quyền đối độc quyền, thì tên người nổi tiếng bắt buộc phải được là nhãn hiệu theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ở Việt Nam là tại Cục Sở hữu trí tuệ. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu đã có ai đó đăng ký trước tên người nổi tiếng này? Liệu nguyên tắc nộp đơn đầu tiên có áp dụng trong trường hợp này? Liệu người nổi tiếng A này có căn cứ nào để “đòi” lại tên gắn liền với nhân thân của họ hay không?
Quy định về việc bảo hộ tên người nổi tiếng là nhãn hiệu trong pháp luật Trung Quốc
Tên của một cá nhân có thể cấu thành “quyền có trước” được bảo hộ theo quy định tại Điều 31 Luật Nhãn hiệu của Trung quốc. Đối với một tên cá nhân cụ thể, để được bảo hộ thì cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, tên cụ thể đó đã đạt được mức độ phổ biến ở Trung Quốc và phải là tên được một nhóm người liên quan biết đến;
Thứ hai, nhóm người liên quan này sử dụng một tên cụ thể để đề cập đến người yêu cầu bảo hộ;
Thứ ba, có sự liên kết ổn định giữa tên cụ thể dự định đăng ký và cá nhân đó.
Như vậy, có thể hiểu rằng tên của một cá nhân ở đây phải là tên của một cá nhân nổi tiếng, tức là người nổi tiếng. Các điều kiện để xác định rằng tên của người nổi tiếng này đã cấu thành hay xác lập một “quyền có trước” hay chưa dựa vào mức độ phổ biến, mức độ công chúng nhận diện được tên đó chỉ đến người nào, và tên đó phải gắn liền với nhân thân một cá nhân. Một trong những vụ việc điển hình là vụ kiện của cầu thủ bóng rổ nổi tiếng Michael Jordan tại Trung Quốc (xem thêm tại đây)
Quy định này để đảm bảo rằng không phải tên của mọi người nổi tiếng đều cấu thành “quyền có trước’’ để mang lại lợi thế khi bảo hộ nhãn hiệu, mà chỉ có những tên người nổi tiếng đáp ứng những điều kiện nhất định mới có được ưu thế này.
Ngoài ra, việc đưa ra những quy định này cũng nhằm để hạn chế trường hợp công chúng hay người tiêu dùng nói chung bị nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm/dịch vụ. Họ có thể hiểu nhầm rằng sản phẩm nào đó do một người nổi tiếng cung cấp, và mua dựa trên sự hiểu biết của họ về người nổi tiếng đó.
Quy định về việc bảo hộ tên người nổi tiếng trong pháp luật Hàn Quốc
Theo Điều 34 (1)(6) của Đạo Luật Nhãn hiệu Hàn Quốc thì các nhãn hiệu sau đây không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ để được cấp bằng (tạm dịch từ Đạo Luật Nhãn hiệu của Hàn Quốc)
“Bất kỳ nhãn hiệu nào có chứa tên, danh xưng, hoặc tên thương mại, chân dung, chữ ký, con dấu, tên văn học, tên diễn viên dùng trong nghề, bút danh của một người nổi tiếng, hoặc danh xưng viết tắt của anh ấy hoặc cô ấy; trừ trường hợp có sự chấp thuận của người đó thì nhãn hiệu mới có thể được bảo hộ”
(Nguyên gốc bằng tiếng Anh: Article 34 (1)(6) of Korean Trademark Act: Trademarks Ineligible for Trademark Registration
“Any trademark containing the name, title, or trade name, portrait, signature, seal, literary name, stage name, pen name of a prominent person, or his or her abbreviated title: Provided, That where the consent of such person has been obtained, trademark registration may be obtained”)
Như vậy, pháp luật Hàn Quốc quy định rõ ràng rằng tên của người nổi tiếng sẽ không được bảo hộ là nhãn hiệu, nếu không phải chính người nổi tiếng đó nộp đơn đăng ký hoặc có sự đồng ý của người nổi tiếng đó. Đây cũng là một điều luật để nhằm bảo vệ cho nền công nghiệp giải trí đóng góp lớp cho sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc, tạo cho những người nổi tiếng nói riêng cơ chế ghi nhận và phát triển hoạt động của mình.
BTS – Bài học về xây dựng và bảo vệ tên người nổi tiếng
BTS là một nhóm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc được quản lý bởi Big Hit Entertainment. Nhìn lại lịch sử đăng ký nhãn hiệu và bảo vệ thương hiệu của nhóm nhạc này, cơ quan chủ quản của BTS đã tiến hành hàng loạt biện pháp pháp lý để đảm bảo tên thương hiệu của mình không bị bất kỳ ai lợi dụng cho mục đích kinh doanh.
Giai đoạn 2011-2012, Big Hit Entertainment đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trước khi nhóm này chính thức ra mắt vào năm 2013.
Giai đoạn 2017-2018: Big Hit Entertainment nộp nhiều đơn đăng ký nhãn hiệu cho tên “BTS” bằng tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc, xin bảo hộ cho toàn bộ các nhóm sản phẩm/dịch vụ (45 nhóm).
Từ khi nhóm ra mắt, Big Hit Entertainment cũng đã tích cực nộp các yêu cầu phản đối cấp đơn đăng ký nhãn hiệu của các bên thứ ba có chứa từ “BTS”, và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc cũng đã thừa nhận sự nổi tiếng của nhãn hiệu “BTS” trong quá trình xử lý các yêu cầu phản đối.
Ngoài ra, đơn vị quản lý ban nhạc BTS cũng đã nộp đơn yêu cầu hủy hiệu lực các nhãn hiệu có chứa từ “BTS” vì lý do không sử dụng.
Người nổi tiếng Việt Nam nên bảo hộ tên của họ như thế nào?
Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 quy định dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu, và khoản 3 của điều này chỉ đề cập đến “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài”.
Như vậy, tên người nổi tiếng không phải là đối tượng bị loại trừ bảo hộ. Do đó, về nguyên tắc, bất kỳ ai cũng có thể đăng ký tên của một người nổi tiếng làm nhãn hiệu của mình. Trên thực tế cũng đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp lùm xùm về việc tên, bút danh, nghệ danh,…của người nổi tiếng bị đăng ký trước, gây cho người tiêu dùng/công chúng những hiểu lầm về nguồn gốc của sản phẩm/dịch vụ và ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng, uy tín của chính người nổi tiếng đó.
Do pháp luật Việt Nam không có quy định loại trừ đối với tên người nổi tiếng, mà mới chỉ ngăn chặn việc đăng ký các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt nam, của nước ngoài nên những người nổi tiếng và công ty quản lý người nổi tiếng có thể tham khảo cách thức bảo vệ quyền của BigHit Entertainment cho nhóm nhạc BTS đình đám, đó là:
– Đăng ký bảo hộ cho các nhóm sản phẩm dịch vụ mà nghệ sỹ hoạt động chủ yếu hoặc kinh doanh, tốt hơn là đăng ký bảo hộ cho toàn bộ 45 nhóm.
– Thường xuyên theo dõi công báo Sở hữu công nghiệp được phát hành ngày 25 hàng tháng trên website của Cục Sở hữu trí tuệ để có thể phản đối cấp các nhãn hiệu tương tự với tên người nổi tiếng.
– Nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực các nhãn hiệu có trước mà không sử dụng.
© ANLIS IP. Vui lòng ghi rõ nguồn anlis.vn khi trích dẫn lại bài viết từ trang này.