Chồng lấn quyền sở hữu trí tuệ 2021 – khái niệm và nguyên nhân
Chồng lấn quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề có thể gọi là “điểm xám” của pháp luật mỗi quốc gia. Với mong muốn vừa khuyến khích sáng tạo, vừa tạo ra cơ chế bảo hộ công bằng, nhưng chính việc không xác định rõ ranh giới giữa mỗi phạm vi quyền lại tạo ra lỗ hổng cho nhiều chủ thể lợi dụng, đồng thời khó khăn trong việc xác định phạm vi bảo hộ cũng thư thực thi quyền và giải quyết tranh chấp.
1. Khái niệm chồng lấn quyền sở hữu trí tuệ
Theo từ điển tiếng Việt, chồng lấn là “(khu vực) sát liền nhau, có phần lấn sang phạm vi của nhau, làm cho ranh giới không được rõ ràng, khó phân định”, có thể hiểu là có sự lấn sang, chồng chéo lên nhau.
Quyền sở hữu trí tuệ là các quyền của cá nhân tổ chức đối với các tài sản trí tuệ bao gồm là quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng (Khoản 1 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ).
Chồng lấn quyền sở hữu trí tuệ có thể được hiểu theo nhiều cách. Thông thường chồng lấn quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là việc chủ thể quyền (hoặc chủ sở hữu quyền) yêu cầu nhiều hơn một hình thức bảo hộ cho một đối tượng bảo hộ hoặc yêu cầu sự bảo hộ liên tục từ cơ quan bảo hộ [1].
Ví dụ, chủ thể có quyền có thể đăng ký quyền tác giả cho một sản phẩm khoa học của mình dưới dạng tác phẩm khoa học hoặc có thể đăng ký bảo hộ dưới dạng sáng chế. Hay chủ thể có thể đăng ký bảo hộ logo dưới danh nghĩa là nhãn hiệu và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Nói cách khác, chồng lấn quyền sở hữu trí tuệ là sự tích chứa các quyền sở hữu trí tuệ, đây là yêu cầu của chủ thể có quyền để lấp đầy các lỗ hổng trong việc bảo hộ dưới một hình thức bảo hộ bằng một hoặc nhiều hình thức bảo hộ khác.
Tuy nhiên, chồng lấn quyền sở hữu trí tuệ không thể hiểu trong phạm vi hẹp như vậy, việc chồng lấn có thể xảy ra trong trường hợp cùng một đối tượng được bảo hộ bởi hai hay nhiều hình thức khác nhau bởi hai hoặc nhiều chủ thể khác nhau.
Ví dụ như một chủ thể A đăng ký một logo dưới dạng bảo hộ nhãn hiệu nên quyền được xác lập với logo đó dưới cơ chế bảo hộ là nhãn hiệu thuộc về A.
Tuy nhiên cũng cùng logo đó, chủ thể B đăng ký quyền tác giả dưới hình thức là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng nên quyền tác giả đối với logo được xác lập cho B. Việc chồng lấn quyền giữa hai chủ thể trên sẽ xảy ra xung đột quyền giữa hai chủ thể này, đây cũng là một bất cập của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật thế giới.
Tóm lại, chống lấn quyền sở hữu trí tuệ có thể định nghĩa như sau để mở rộng phạm vi của thuật ngữ này là: Chồng lấn quyền sở hữu trí tuệ là sự chồng chéo giữa các cơ chế bảo hộ khác nhau của quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng) cho cùng một đối tượng của cùng một chủ thể hoặc hai chủ thể khác nhau.
Các trường hợp về chồng lấn quyền sở hữu trí tuệ [2]:
(i) Đồng nhất về chủ thể, một chủ thể được hưởng nhiều quyền lợi bởi được bảo hộ tại hai hay nhiều cơ chế bảo hộ khác nhau cho cùng một đối tượng.
(ii) Khác nhau về chủ thể, hai hay nhiều chủ thể có quyền ở hai hay nhiều cơ chế khác nhau cho cùng một đối tượng.
2. Nguyên nhân gây chồng lấn quyền sở hữu trí tuệ
Thứ nhất, giữa các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ có những điểm tương đồng nhất định về khái niệm, về đối tượng yêu cầu bảo hộ cũng như điều kiện xác lập bảo hộ. Ví dụ, giữa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đều có thể bảo hộ cho những đối tượng là hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó.
Thứ hai, chủ thể quyền luôn mong muốn mở rộng phạm vi quyền và kéo dài sự bảo hộ độc quyền của mình đối với đối tượng quyền sở hữu công nghiệp. Vì mỗi đối tượng có thời hiệu bảo hộ khác nhau, quyền và nghĩa vụ phát sinh khác nhau.
Ví dụ như quyền tác giả có quyền nhân thân vĩnh viễn, quyền tài sản thường là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả mất (đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là 70 năm kể từ ngày công bố), trong khi nhãn hiệu có thể được bảo hộ vĩnh viễn các quyền đối với nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ nếu được gia hạn, kiểu dáng công nghiệp là 5 năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, có thể gia hạn 2 lần liên tiếp (tổng thời gian bảo hộ lên đến 15 năm). Cho nên, để tối ưu hoá quyền lợi của chủ thể có quyền thì họ đăng ký nhiều hình thức bảo hộ khác nhau cho cùng một đối tượng. (xem thêm: điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp)
Thứ ba, nhiều chủ thể lợi dụng sự giao thoa giữa các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ để hợp thức hoá hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Khi nền kinh tế thị trường phát triển thì hoạt động cạnh tranh kinh tế giữa các cá nhân, tổ chức cũng được tăng nhanh, kéo theo đó hoạt động đầu tư vào các tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức cũng được chú trọng và giá trị của tài sản đó tăng mạnh mang lại vị thế cạnh tranh cho cá nhân, tổ chức đó trên thị trường. Do vậy, các đối thủ cạnh tranh luôn muốn sử dụng các tài sản trí tuệ của người khác để tăng nhanh giá trị cho chính mình cũng như khai thác triệt để lợi ích mà loại tài sản này mang lại cho hoạt động kinh doanh. Họ lợi dụng sự giao thoa giữa các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ này để hợp thức hóa việc sử dụng thành quả của chủ sở hữu thực sự.
Thứ tư, quy định pháp luật hiện hành chưa làm rõ ranh giới giữa các đối tượng gây ra sự tương đồng về điều kiện xác lập quyền khiến việc đăng ký.
Vì vậy, việc lựa chọn đối tượng bảo hộ nào, cách thức bảo hộ ra sao cần mỗi chủ thể cân nhắc, và tốt nhất nên tham vấn ý kiến của các luật sư, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Để được hỗ trợ kịp thời, Quý Khách có thể liên hệ với ANLIS IP để được tư vấn miễn phí và nhanh chóng.
Lê Minh Thuận – Phòng Sở hữu trí tuệ
ANLIS IP.
Tài liệu tham khảo:
[1] Trần Đỗ Thành (2006), Chồng lấn trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ – Vấn đề và giải pháp, Tạp chí hoạt động khoa học số 10/2006, được đăng tải ngày 29/09/2007 trên trang điện tử thongtinphapluadansu.edu.vn
[2] Võ Thị Thu Hà (2020), Quy định pháp luật Việt Nam về hiện tượng chồng lấn quyền sở hữu trí tuệ giữa nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, đăng tải trên trang điện tử của Đội hình Tư vấn và Giảng dạy pháp luật cộng đồng Trường Đại học Kinh tế – Luật https://cleuellawblog.wordpress.com/2020/05/02/quy-dinh-phap-luat-viet-nam-ve-hien-tuong-chong-lan-quyen-so-huu-tri-tue-giua-nhan-hieu-kieu-dang-cong-nghiep-va-tac-pham-my-thuat-ung-dung/