4 nguyên tắc sử dụng Bảng phân loại Nice đăng ký nhãn hiệu

1. Giới thiệu bảng phân loại Nice

Để nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, bên cạnh những thông tin cần thiết như tên, địa chỉ của chủ đơn, mẫu nhãn hiệu thì phần khó khăn nhất đối với nhiều chủ đơn là kê khai danh mục sản phẩm/dịch vụ xin bảo hộ theo Bảng phân loại Nice như thế nào?

Theo Quy định, phần “Danh mục các hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu” trong Tờ khai phải được phân nhóm phù hợp với Bảng phân loại quốc tế các hàng hóa, dịch vụ theo Thỏa ước Nice (Bảng phân loại Nice) được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

Nếu người nộp đơn không tự phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phân loại và người nộp đơn phải nộp phí dịch vụ phân loại theo quy định.

Vậy bảng phân loại Nice là gì? Đây là Bảng phân loại quốc tế các hàng hóa, dịch vụ theo Thỏa ước Nice (trong tiếng Anh gọi là: Nice Classification – NCL). Bảng phân loại Nice là một cách phân loại hàng hóa và dịch vụ được áp dụng cho việc đăng kí nhãn hiệu, được thiết lập theo Thỏa ước Nice (1957). Bảng phân loại hàng hóa dịch vụ Ni-xơ được chia thành 45 nhóm, từ nhóm 1 đến nhóm 34 là các nhóm về hàng hóa, từ nhóm 35 đến nhóm 45 là các nhóm về dịch vụ.

2. Phân nhóm sản phẩm/dịch vụ để làm gì

Việc sử dụng Bảng Phân loại Nice là bắt buộc không chỉ đối với việc đăng kí nhãn hiệu quốc gia tại các quốc gia tham gia thỏa ước Nice, mà còn đối với việc đăng kí quốc tế đối với nhãn hiệu. Phân loại Nice cũng được áp dụng ở một số quốc gia không tham gia thỏa ước Nice.

Bên cạnh đó, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ để nộp đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu người nộp đơn cũng phải thực hiện chính xác việc phân nhóm sản phẩm/dịch vụ bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu.

Tham khảo bảng phân loại Nice mới nhất tại đây.

3. Sử dụng Bảng phân loại Nice như thế nào

Để giúp người nộp đơn có thêm thông tin sử dụng Bảng phân loại Nice, dưới đây là một số nguyên tắc phân loại mà người nộp đơn nên áp dụng:

Nguyên tắc 1: Tham khảo tiêu đề của các nhóm

Mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ đều có tiêu đề chung, và hướng dẫn cụ thể. Ví dụ tiêu đề của nhóm 25 là: quần áo, đồ đi chân, đồ đội đầu. Cụ thể là: Nhóm 25 chủ yếu bao gồm quần áo, đồ đi chân và đồ đội đầu dành cho người. Tham khảo tiêu đề chung của các nhóm tại đây.

Nguyên tắc 2. Tìm kiếm sản phẩm dịch vụ được liệt kê cụ thể trong nhóm

Bảng phân loại Nice có đưa ra danh mục các sản phẩm/dịch vụ tham khảo. Để thuận tiện cho việc tra cứu nhanh, người nộp đơn có thể gõ từ khóa tìm kiếm khác nhau, để có gợi ý cho việc phân loại

Nguyên tắc 3. Nguyên tắc phân loại sản phẩm (từ nhóm 01 đến nhóm 34) nếu không tìm thấy trong bảng phân loại Nice

  1. Về nguyên tắc, sản phẩm được phân loại theo chức năng hoặc mục đích sử dụng. Nếu chức năng hoặc mục đích của sản phẩm không được đề cập trong bất kỳ nhóm nào, thì sản phẩm đó được phân loại tương tự với các sản phẩm tương đương khác, được chỉ ra trong Danh mục theo vần chữ cái. Nếu không tìm thấy, thì sẽ áp dụng các tiêu chí phụ khác, ví dụ như: vật liệu tạo ra sản phẩm hoặc phương thức hoạt động của nó.
  2. Nếu sản phẩm có nhiều mục đích sử dụng (ví dụ: Đồng hồ kết hợp Rađio) thì sẽ được phân vào tất cả các nhóm tương thích về chức năng hoặc công dụng.
  3. Nguyên vật liệu thô, chưa chế biến hoặc bán chế, về nguyên tắc được phân loại phụ thuộc vào nguyên vật liệu cấu tạo nên chúng.
  4. Một hàng hoá là một bộ phận của một sản phẩm khác, về nguyên tắc được phân cùng nhóm với sản phẩm đó chỉ trong trường hợp hàng hoá đó không được sử dụng cho một mục đích khác. Trong các trường hợp ngược lại, nguyên tắc nêu trong mục (1) được áp dụng.
  5. Khi một sản phẩm, hoàn chỉnh hay chưa được hoàn chỉnh, được phân loại theo chất liệu làm nên nó, xét về nguyên tắc sản phẩm đó sẽ được phân loại theo chất liệu chiếm chủ yếu trong sản phẩm.
  6. Các hộp dùng đựng một loại sản phẩm thì về nguyên tắc được phân loại cùng nhóm với sản phẩm đó. (ví dụ: Hộp đựng bút-nhóm 16; Hộp đựng kim-nhóm 26).
      Bảng phân loại Nice đăng ký nhãn hiệuBảng phân loại Nice hàng hóa, dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu

Nguyên tắc 4: Nguyên tắc phân loại dịch vụ nếu không tìm thấy trong bảng phân loại Nice

  1. Các dịch vụ về nguyên tắc được phân loại dựa vào các ngành hoạt động được chỉ rõ trong tiêu đề của các nhóm dịch vụ trong Danh mục các nhóm hoặc theo Phần giải thích, nếu không có thì được phân loại theo một dịch vụ tương tự nêu trong Danh mục theo vần chữ cái.
  2. Các dịch vụ cho thuê về nguyên tắc được phân cùng nhóm với dịch vụ được cung cấp bởi phương tiện cho thuê (ví dụ: “Cho thuê điện thoại” sẽ thuộc dịch vụ Nhóm 38).
  3. Các dịch vụ cung cấp tư vấn, thông tin về nguyên tắc được phân loại vào cùng nhóm với các dịch vụ tương ứng với lĩnh vực tư vấn, thông tin [ví dụ: Tư vấn về giao thông (Nhóm 39), tư vấn quản lý kinh doanh (Nhóm 35), tư vấn tài chính (nhóm 36), tư vấn làm đẹp (nhóm 44)].
  4. Việc tiến hành các dịch vụ tư vấn, thông tin bằng các phương tiện điện tử (ví dụ: điện thoại, máy tính…) sẽ không làm ảnh hưởng đến nguyên tắc phân loại trên.
  5. Nhóm 35 đặc biệt gồm cả: Dịch vụ tập hợp và trưng bầy các loại hàng hoá khác nhau (không kể vận chuyển) vì lợi ích của khách hàng để họ dễ xem và mua các hàng hoá này; các dịch vụ này có thể được cung cấp tại các cửa hàng bán lẻ, bán buôn hàng hoá hoặc thông qua thư đặt hàng từ ca-ta-lô hoặc thông qua các phương tiện truyền thông điện tử, ví dụ: trang web hoặc các chương trình mua bán trên tivi].
  6. Các dịch vụ được cung cấp trong khuôn khổ nhượng quyền thương mại về nguyên tắc được phân loại cùng loại với các dịch vụ cụ thể do bên nhượng quyền cung cấp (ví dụ: tư vấn kinh doanh liên quan đến nhượng quyền (Nhóm 35), dịch vụ tài chính liên quan đến nhượng quyền (Nhóm 36), dịch vụ pháp lý liên quan đến nhượng quyền thương mại (Nhóm 45).

Việc phân loại sản phẩm đòi hỏi người nộp đơn cần hiểu rõ bản chất của hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời dành thời gian để nghiên cứu. Việc phân loại chính xác có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập phạm vi bảo hộ sau này của nhãn hiệu, đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian cho việc sửa đổi.

 Để được hỗ trợ về việc phân nhóm sản phẩm/dịch vụ hoặc bất kỳ các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, Quý Khách có thể liên hệ với ANLIS IP để được tư vấn miễn phí và nhanh chóng.

ANLIS IP (Hotline tư vấn: 0899.88.60.60)

Bình luận bài viết:

Bài viết liên quan

ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU TẠI TRUNG QUỐC – 2024

“ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU TẠI TRUNG QUỐC GIÁ RẺ NHƯNG CHẤT LƯỢNG CAO, TẠI SAO KHÔNG?” Tại sao dịch vụ đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc giá rẻ...

02.10.2024

Đăng ký nhãn hiệu tại Kuwait – 2024

Kuwait không phải là thành viên của Hệ thống Madrid. Do đó, để đăng ký nhãn hiệu tại Kuwait bắt buộc phải nộp đơn đăng ký trực tiếp vào...

23.09.2024

ANLIS ỦNG HỘ CÁC TỈNH BỊ THIỆT HẠI DO CƠN BÃO YAGI

Mặc dù cơn bão số 3 đã đi qua nhưng vẫn để lại rất nhiều thiệt hại về tính mạng, vật chất cho người dân ở nhiều khu vực...

15.09.2024