10 câu hỏi về đăng ký nhãn hiệu tại Singapore
Đăng ký nhãn hiệu tại Singapore có những điểm gì giống và khác với những các nước khác? Dưới đây là 10 cầu hỏi thường gặp về đăng ký nhãn hiệu tại Singapore mà người nộp đơn muốn đăng ký nhãn hiệu tại Singapore có thể tham khảo trước khi tiến hành việc đăng ký:
Câu 1: Làm sao để phân nhóm khi đăng ký nhãn hiệu tại Singapore?
Singapore cũng áp dụng Bảng phân loại Quốc tế NICE để phân loại nhóm khi đăng ký nhãn hiệu. Có 45 nhóm trong đó nhóm hàng hóa là từ 1 đến 34 và nhóm dịch vụ từ 35 đến nhóm 45. Tham khảo Bảng phân loại NCIE tại đây
Để đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn cần phân loại chính xác sản phẩm, dịch vụ cụ thể và phù hợp với Bảng phân loại NICE.
Cục SHTT Singapore cũng khuyến khích người nộp đơn sử dụng bảng phân loại của Cục SHTT Singapore (IPOS) để tìm kiếm và mô tả danh mục sản phẩm và dịch vụ cho phù hợp vì một số sản phẩm dịch vụ theo bảng NICE không được chấp nhận ở Singapore.
Câu 2: Chi phí đăng ký nhãn hiệu tại Singapore là bao nhiêu?
Cũng giống như Việt Nam, chi phí đăng ký nhãn hiệu tại Singapore phụ thuộc vào số lượng nhãn hiệu đăng ký, số lượng nhóm trong 1 nhãn hiệu và hình thức nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.
Theo đó, phí đăng ký nhãn hiệu tại Singapore cho 1 nhãn hiệu cho 1 nhóm, được phân loại chính xác theo quy định pháp luật là:
– Nộp trực tiếp tại Cục Singapore là: 240 đô Sing
– Nộp chỉ định theo hệ thống Madrid là 1145 USD
Câu 3: Làm sao để biết nhãn hiệu có đăng ký tại Singapore được không?
Để biết được nhãn hiệu muốn đăng ký có đăng ký được tại Singapore hay không, cần xem nhãn hiệu có rơi vào các trường hợp cấm của pháp luật không, cụ thể như:
- i) Mô tả đặc điểm, tính chất, nguồn gốc của hàng hóa hoặc dịch vụ cung cấp
- ii) Tên vị trí địa lý thông thường
- iii) Lừa dối người tiêu dùng về bản chất của hàng hóa hoặc dịch vụ
- iv) Xung đột với tên thương mại được sử dụng trên hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự
Để tránh việc nhãn hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ và bị từ chối sau khi nộp đơn, người nộp đơn nên tiến hành kiểm tra/tra cứu và đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu trước khi nộp vào Cục Singapore. Nếu cần hỗ trợ tra cứu khả năng bảo hộ xin vui lòng liên hệ tại đây.
Câu 4: Chủ sở hữu có thể tự hủy bỏ nhãn hiệu của mình sau khi đăng ký không?
Chủ sở hữu có thể nộp yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu của mình cho toàn bộ sản phẩm, dịch vụ hoặc một phần sản phẩm dịch vụ sau khi đã đăng ký bằng cách nộp mẫu CM3 qua IP2SG. Thủ tục này không mất phí Nhà nước, trường hợp sử dụng dịch vụ của các đơn vị tư vấn, chi phí tùy thuộc vào từng công ty dịch vụ đó.
Câu 5: Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu tại Singapore đang chờ xử lý hoặc đang bị từ chối tôi có thể sử dụng được không?
Có thể. Tuy nhiên nếu nhãn hiệu chưa được đăng ký mà có xâm phạm xảy ra, chỉ có thể dựa vào thủ tục pháp luật để xử lý (phải có kết luận của tòa). Điều này có thể rất tốn kém và mất thời gian và khó có kết quả do thủ tục kiện tụng.
Câu 6. Tôi nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở những quốc gia nào?
Đây là quyết định của chủ đơn. Chủ đơn cần xem xét kế hoạch kinh doanh của mình ở những thị trường nào để cân nhắc việc đăng ký nhãn hiệu cho phù hợp, do chi phí đăng ký nhãn hiệu phụ thuộc vào số lượng nước đăng ký, số nhãn hiệu đăng ký và số nhóm trong nhãn hiệu, do đó cần cân nhắc kỹ tránh lãng phí chi phí và thời gian không cần thiết. Ngoài ra trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào thị trường nào chủ đơn cũng nên tiến hành thủ tục tra cứu trước khi nộp đơn để tránh việc trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó. Nếu cần tư vấn thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin như dưới đây để được tư vấn chi tiết.
Câu 7. Khi nào tôi có thể sử dụng kí tự ® trên nhãn hiệu của mình?
Bạn chỉ có thể sử dụng kí tự này trên nhãn hiệu đã được bảo hộ, có nghĩa là sau khi nhãn hiệu được cấp bằng. Kể cả nhãn hiệu mới nộp đơn và đang xử lý hoặc có từ chối, phản đối cũng không được sử dụng. Việc sử dụng kí tự gây hiểu lầm về tình trạng bảo hộ có thể bị xem là vi phạm pháp luật hình sự ở Singapore.
Câu 8. Tôi có thể phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu của người khác không?
Đăng ký nhãn hiệu tại Singapore cũng tương tự như tại Việt Nam, tất cả các đơn đăng ký nhãn hiệu đều được công bố trên Tạp chí Nhãn hiệu. Sau 2 tháng kể từ ngày công bố, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền nộp yêu cầu phản đối cấp bằng cho đơn nhãn hiệu đó.
Câu 9. Tôi có thể nộp 1 đơn cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ được không?
CÓ. Người nộp đơn có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ 1 nhãn hiệu cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ theo yêu cầu. Chi phí sẽ được tính theo số lượng nhóm yêu cầu bảo hộ.
Ví dụ 1 đơn nộp trực tiếp vào Cục SHTT Singapore cho 1 nhóm là 240 USD, nếu 5 nhóm sẽ là 5x240USD
Câu 10. Nhãn hiệu của tôi đã được đăng ký, hiện tôi muốn li-xăng/ chuyển nhượng cho bên khác thì cần làm gì?
Chuyển nhượng:
Chuyển nhượng là việc chuyển toàn bộ quyền sử dụng và quyền sở hữu sang cho cá nhân/ pháp nhận khác. Để thực hiện thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu tại Singapore, chủ sở hữu cần nộp đơn theo mẫu CM8, lệ phí nộp cho Cục SHTT Singapore là 70USD Singapore cho mỗi nhãn hiệu. Sau khi thay đổi, Cục SHTT sẽ ghi nhận trên hệ thống theo thông tin của chủ sở hữu mới.
Chuyển giao (li-xăng)
Chủ sở hữu sau khi được đăng ký có thể tiến hành chuyển giao quyền sử dụng cho bên khác (li-xăng). Để thực hiện việc chuyển giao này chủ sở hữu cần hoàn thành thủ tục theo mẫu CM6 và nộp phí theo quy định. Phí nộp cho Cục SHTT Singapore là 60USD Singpore cho mỗi nhãn hiệu. Trường hợp nhãn hiệu bị chấm dứt quyền, chủ sở hữu cần thông báo cho Cơ quan quản lý, cụ thể là Cục SHTT Singapore bằng mẫu CM6, và phí để chấm dứt chuyển giao cũng là 60USD Singpore cho mỗi nhãn hiệu.
Tham khảo và lược dịch từ Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore